Banner
Trang chủ NGHIÊN CỨU & CGCN Chuyển giao công nghệ

Hội nghị lấy ý kiến cho Đề án phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021-2025

26/07/2021 16:10 - Xem: 1457

Ngày 19/7, Huyện ủy Trấn Yên, tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị tham gia ý kiến vào Đề án Chương trình OCOP huyện Trấn Yên giai đoạn 2021 - 2025. Dự hội nghị có đồng chí Trần Nhật Tân - UV BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; các đồng chí Thường trực Huyện ủy, UV BTV Huyện ủy, Thường trực HĐND, UBND, lãnh đạo các phòng ban chuyên môn, thành viên hội đồng đánh giá sản phẩm OCOP của huyện. Về phía đơn vị tư vấn có Tiến sỹ Nguyễn Chí Hiểu - Phó Hiệu trưởng Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Tiến sỹ Bùi Đình Hòa - Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn - Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên.

Hội nghị tham gia ý kiến vào Đề án Phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên giai đoạn 2021 – 2025

Sau hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM), khu vực nông thôn huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực: Kết cấu hạ tầng phát triển mạnh mẽ, đã xuất hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả của người dân, sản xuất nông nghiệp hàng hóa bước đầu được coi trọng và chuyển biến, một số sản phẩm chủ lực của huyện đã được du khách trong và ngoài nước biết đến. Đời sống của đa số người dân khu vực nông thôn ngày càng được nâng cao. Do vậy, năm 2019 huyện Trấn Yên được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện đầu tiên của tỉnh Yên Bái và khu vực Tây Bắc đạt chuẩn NTM.

Đồng chí Trần Nhật Tân - UV BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện phát biểu ý kiến tại hội nghị

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM của huyện vẫn còn những bất cập và hạn chế như: Đời sống của cộng đồng dân cư khu vực nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2020 của huyện Trấn Yên cho thấy: Số hộ nghèo còn 488/24.075 hộ, chiếm tỷ lệ 2,03%; số hộ cận nghèo còn 1.133 hộ, chiếm tỷ lệ 4,71%.

Nhằm khắc phục các bất cập nêu trên,  trong hai năm  2019 và 2020  huyện Trấn Yên đã triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn huyện. Đến hết năm 2020 đã có 12 sản phẩm OCOP trên địa bàn 8 xã  của  huyện được xếp hạng 3 sao và 4 sao.Thành công bước đầu của chương trình cho thấy đây là hướng đi đúng và tích cực, là giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế khu vực nông thôn của huyện.

 Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thực hiện Chương trình OCOP và khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của huyện trong phát triển kinh tế của địa phương, huyện cần thiết phải xây dựng và thực hiện Đề án "Phát triển các sản phẩm OCOP huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021-2025".


Đồng chí Nguyễn Chí Hiểu - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phát biểu tại Hội nghị

Để thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, huyện Trấn Yên đã mời đơn vị tư vấn với các chuyên gia trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên tư vấn lập đề án. Đến nay, Đơn vị tư vấn đã lập xong Đề án thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm huyện Trấn Yên, giai đoạn 2021-2025. Tại Hội nghị, Tiến sỹ Bùi Đình Hòa, đại diện đơn vị tư vấn đã báo cáo thuyết minh lập Đề án, các đại biểu tham dự Hội thảo cho ý kiến góp ý để Đơn vị tư vấn giải trình, hoàn chỉnh Đề án làm cơ sở triển khai Chương trình trên địa bàn huyện trong thời gian tới.

Tiến sỹ Bùi Đình Hòa - Khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn - Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên thuyết minh Đề án tại hội nghị

Kết thúc Hội nghị đồng chí Trần Nhật Tân - UV BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Trấn Yên gửi lời cảm ơn đến các đồng chí tham gia góp ý cho đề án và cảm ơn đơn vị tư vấn đã đồng hành viết Đề án cùng với huyện và mong muốn sẽ tiếp tục được hợp tác với đơn vị tư vấn để triển khai đề án trong giai đoạn 2021-2025.

Tác giả

                                                                                                                    Xuân Hồng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN