Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025

07/06/2021 16:00 - Xem: 1283

Ngày 27 tháng 4 năm 2021, gần 400 đại biểu cả nước đã tập trung tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để tham dự “Hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho biết, thời gian qua, Chương trình OCOP đã góp phần từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa; góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu trước hội thảo

Giai đoạn 2018-2020, đã có 2.961 chủ thể đăng ký tham gia Chương trình với 6.210 sản phẩm. Các chủ thể đã được hỗ trợ nâng cao chất lượng, phát triển sản phẩm, nâng cao năng lực, đã có 874 sản phẩm được hỗ trợ chuẩn hóa về chất lượng; 792 sản phẩm được hỗ trợ về sở hữu trí tuệ; 1.266 sản phẩm được hỗ trợ về bao bì, nhãn mác; 1.098 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ nâng cao năng lực và 1.552 chủ thể được hỗ trợ xúc tiến thương mại và giới thiệu sản phẩm.

Ông Nguyễn Minh Tiến – Cục trưởng – Chánh văn phòng NTM trung ương báo cáo những thành quả mà Chương trình OCOP đạt được trong giai đoạn 2018-2020

Đến nay, 60 tỉnh, thành phố đã có kết quả đánh giá, phân hạng cho các sản phẩm, cụ thể như sau: Cả nước có 4.733 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, ĐB Sông Hồng dẫn đầu cả nước với 1.759 sản phẩm (chiếm 37,16%), MN phía Bắc chiếm 20,56%, tiếp đến là ĐB sông Cửu Long với 15%, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ với 88 sản phẩm.

Dự kiến mục tiêu Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 - 2025 là: Đến năm 2025, phấn đấu có ít nhất 10.000 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 3% sản phẩm OCOP đạt 5 sao; Phấn đấu ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; Có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị khép kín, gắn với vùng nguyên liệu ổn định, trong đó ưu tiên các sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng (trong đó có ít nhất 50% sản phẩm OCOP hiện có được củng cố và nâng cấp); Có ít nhất 50%  làng nghề nông thôn có sản phẩm OCOP, góp phần bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống của các địa phương; Tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ làm việc tại các chủ thể OCOP đạt tối thiểu 20%.

Nguyên tắc thực hiện Chương trình gồm: (i) Chất lượng và chuỗi giá trị bền vững; (ii) Sáng tạo và sức mạnh cộng đồng; (iii) Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Để hoàn thiện cho khung Chương trình OCOP trong giai đoạn 2021 – 2025, Trung ương xin ý kiến và góp ý của các đại biểu từ các tỉnh thành đã triển khai thành công Chương trình OCOP như: Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Tĩnh….trong giai đoạn 2018 – 2020.

 

Toàn cảnh hội thảo góp ý xây dựng khung chương trình và giải phát thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025

Ngoài sự có mặt của các đại biểu đại diện từ các tỉnh thành, còn có các đại biểu đại diện từ các trường Đại học, các viện nghiên cứu đã đồng hành cùng Trung ương trong Chương trình OCOP từ những giai đoạn đầu, trong đó có Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn thuộc trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

 

Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn – Trường Đại Học Nông Lâm Thái Nguyên tham gia hội thảo

Dựa trên các ý kiến đóng góp của các đại biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Thanh Nam kết luận: Bộ sẽ tiếp thu và xây dựng đề án để sớm trình Chính phủ. Trong đó, khẳng định đề án giai đoạn 2021-2025 khác với đề án 2018-2020, tập trung vào nâng cao chất lượng của chương trình OCOP chứ không phải quay lại như lúc đầu và phải đảm bảo được nhiều nội dung hôm nay đại biểu đã đóng góp.

Tác giả: Xuân Hồng

BÀI VIẾT LIÊN QUAN